Cốt bánh gato là phần rất quan trọng quyết định hương vị của chiếc bánh. Bánh kem ngon được quyết định 80% bởi cốt bánh có chuẩn hay không. Đối với bánh sinh nhật, lớp kem bên ngoài thường chỉ để trang trí, ăn nhiều rất dễ bị ngán. Vì vậy mà cho dù bạn là “gà mờ” hay thợ làm bánh chuyên nghiệp thì cũng không thể bỏ qua tuyệt chiêu làm cốt bánh gato ngon bất bại dưới đây của Trường Phát
Nguyên liệu (dùng cho 1 chiếc bánh có đường kính 18 – 21cm)
– Bột ngô ( corn starch): 20gr
– Bột làm bánh (cake flour): 60gr (loại bột này sẽ cho ra thành phẩm ngon nhất, có thay thế bằng bột mì đa dụng nhưng hương vị sẽ không được như ý)
– Dầu ăn: 30gr
– Sữa tươi không đường (nhiệt độ phòng): 15gr
– Trứng gà (nhiệt độ phòng): 4 quả
– Đường: 80gr
– Cream of tartar: ½ thìa
– 1 nhúm muối
Lưu ý
+ Dầu ăn bạn có thể thay thế bằng bơ đun chảy, nhưng tuyệt đối không dùng dầu olive. Theo mình thì tốt nhất là nên dùng dầu thực vật
+ Nếu không có cream of tartar bạn có thể thay thế bằng chanh hoặc giấm với lượng tương đương
Các bước làm cốt bánh gato ngon bất bại
Bước 1
Vặn lò nướng ở nhiệt độ khoảng 160 – 165 độ C trước khi pha chế nguyên liệu. Lót giấy nến hoặc giấy trắng ở đáy khuôn, không cần chống dính toàn khuôn. Việc này sẽ giúp nhiệt độ lò ổn định và nướng ra mẻ bánh thơm ngon hơn.
Bước 2
Trứng gà đem đập vỏ, tách riêng lòng trắng trứng và lòng đỏ trứng ra 2 tô khác nhau.
Bước 3
Dùng máy đánh trứng đánh lòng trắng ở tốc độ thấp cho đến khi nổi bọt lớn thì cho vào 1 chút muối và cream of tartar. Tiếp tục đánh đến khi bọt nhỏ lại, hỗn hợp mịn như bọt xà phòng giặt thì cho thêm đường vào âu.
Lưu ý:
Trong khi cho đường bạn cho từ từ từng chút một, vừa thao tác cho đường vừa đánh trứng, khi đó vẫn giữ máy đánh trứng ở tốc độ cao.
Bước 4
Tăng tốc độ máy lên cao nhất và đánh cho đến khi lòng trắng trứng bông mềm. Nhận biết lòng trắng trứng đánh đạt hay chưa bằng cách nhấc que đánh lên thấy tạo chóp nhưng chóp này phải hơi ngoặt xuống. Nhiều tài liệu thường hướng dẫn đánh lòng trắng trứng bông cứng hẳn lên, nhưng với kinh nghiệm của mình thì chỉ nên đánh đến độ bông mềm như vậy cốt bánh sẽ mềm mịn và ngon hơn.
Bước 5
Điều chỉnh máy đánh trứng ở tốc độ thấp, cho từng lòng đỏ trứng vào và đánh đều cho đến khi hỗn hợp mịn, bông, có màu vàng nhạt là đạt yêu cầu.
Bước 6
Cho hỗn hợp sữa và dầu thực vật vào khuấy trộn đều với nhau rồi từ từ đổ men theo thành âu chứa lòng đỏ trứng vừa đánh ở bước 5. Vừa đổ vừa đánh ở tốc độ thấp nhất cho đến khi hỗn hợp hòa quyện vào nhau.
Bước 7
Đối với người mới học làm bánh
Chia bột ra làm 2 – 3 phần, rây từng phần nhỏ sao cho bột phủ đều khắp mặt âu. Sau đó đánh từng phần bằng máy đánh trứng với tốc độ thấp nhất cho đến khi hỗn hợp quyện đều với nhau.
Lưu ý:
Trong quá trình trột bột, bạn cần chú ý không làm vỡ bọt khí, vì như vậy sẽ rất dễ khiến bánh khó nở. Ngoài ra, tránh để bột lợn cợn, không mượt như vậy sẽ làm bánh kém mịn hơn.
Đối với những bạn đã làm quen
Rây bột thật đều rồi trộn cùng với phần lòng đỏ ở bước 5.Chia lòng trắng trứng thành 3 phần. ⅓ phần cho vào trộn cùng với hỗn hợp lòng đỏ đã đánh ở trên. Chú ý thao tác cực kỳ nhẹ nhàng và và trộn theo phương pháp fold, đảo và hất từ dưới lên trên. Sau khi trộn đều, bạn cho ⅔ lòng trắng trứng còn lại vào, lặp lại thao tác cho đến khi thu được 1 hỗn hợp đồng nhất thì dừng lại.
Bước 8
Nâng cao âu bột và để vuông góc với khuôn rồi vừa đổ vừa trộn hỗn hợp bột vào khuôn để loại bỏ những phần bọt khí làm rỗ bánh. Khi đổ hết phần bột vào khuôn, bạn nhấc lên và thả nhẹ xuống mặt bàn vài cái để vỡ hết bọt khí.
Bước 9
Cho khuôn bánh vào nướng ở 165 độ C trong khoảng 30 phút. Sau khi hết thời gian nướng, bạn có thể để để bánh trong lò khoảng 1 – 2 phút cho bánh nghỉ.
Cuối cùng, cho bánh ra khỏi khuôn, để nguội rồi tiến hành trang trí thêm kem và topping.
Mẹo nhỏ để cốt bánh gato mềm mịn như mây
Cốt bánh gato không quá khó làm, nhưng để bánh ngon thì quan trọng nhất là khâu trộn bột yêu cầu khá cao. Để tránh làm vỡ bọt khí, trong quá trình trộn bột bạn cần lưu ý không nên trộn quá lâu.
Khi nướng bánh không nên để nhiệt độ quá cao cũng không nên quá thấp. Nhiệt độ quá cao sẽ làm bánh bị cháy, không ngon còn nhiệt độ thấp lại dễ làm bánh bị xẹp, khó nở. Cốt bánh đạt tiêu chuẩn phải có độ xốp, mềm mịn, ẩm và không bị rỗ hay sượng.